29 anh về
Tối qua, tôi có dịp cùng đứa bạn thân đến xem kịch tại nhà hát Hoàng Thái Thanh – một trải nghiệm mà gần 10 năm đằng đẵng tôi mới có dịp tận hưởng lại. Vở kịch “29 anh về” kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ – dài hơn hẵn những bộ phim chiếu rạp – nhưng tôi vẫn bị thu hút liên tục bởi câu chuyện, những cung bậc cảm xúc, và những thông điệp được gửi gắm trong tác phẩm, đến nỗi dường như quên cả thời gian. Hơn thế nữa, điều làm tôi xúc động nhất có lẽ là lòng yêu nghề, sự hy sinh và cuộc đời của những người nghệ sĩ sân khấu luôn gắn bó với đam mê và hết mình vì nghiệp diễn.
Vở kịch “29 anh về” công chiếu lần đầu vào dịp Tết năm 2012 do tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc và Hoàng Thái Thanh đồng sáng tác và được dàn dựng bởi đạo diễn Thành Hội. Mở đầu giống như chính tên gọi của tác phẩm, câu chuyện quây quanh cuộc sống của mẹ con cô giáo Diệu Hoài – người phụ nữ suốt 25 năm chờ đợi đón chồng ở sân ga mỗi tháng vào ngày 29. Dòng câu chuyện được giữ khá mạch lạc, các phân đoạn bi hài được lồng ghép khéo léo xuyên suốt chiều dài tác phẩm cùng các tình tiết thắt nút – mở nút diễn ra hợp lí và đúng thời điểm, bố cục sân khấu được dàn dựng chỉnh chu, tất cả góp phần tạo nên một tác phẩm xuất sắc, vượt qua được tính giải trí thông thường, khiến ta không kiềm lòng mà xem đi xem lại nhiều lần. Có một khán giả tâm sự, cô đã đến xem tác phẩm đến 29 lần trong suốt 10 năm nay, đến nỗi thuộc luôn cả lời thoại của từng diễn viên. Nhưng đáng tiếc có lẽ, cô sẽ không có dịp xem lại tác phẩm đến lần thứ 30, bởi đây là suốt diễn cuối cùng của vở kịch.
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh trải qua bao thăng trầm cùng năm tháng, chứng kiến đỉnh cao cũng như sự lụi tàn dần của dòng kịch sân khấu trước ảnh hưởng thời đại. Những nghệ sĩ vẫn gắn bó cùng nhau trong thánh đường của họ, cùng khóc, cùng cười, cùng sống với những nhân vật của họ trong suốt mấy chục năm, cống hiến tài năng và công sức để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, cho dù bên dưới chỉ lác đác vài vị khán giả quen thuộc. Cuộc vui nào cũng có lúc phải tàn, những câu chuyện diễn ra suốt hơn 10 năm, đến nay cũng phải nói lời tạm biệt. Tạm biệt bà lão, tạm biệt cô giáo Diệu Hoài, tạm biệt Bình An, Mộng, Tiết, Thu, Mị Trùm đề,… những nhân vật tuy sẽ không bao giờ xuất hiện thêm một lần nào nữa những sẽ sống mãi trong lòng của người nghệ sĩ và những khan giả yêu kịch nghệ.
Sự chấm dứt, tuy tiếc nuối, nhưng không hẳn là bi thương. Sự chia ly, tuy còn vấn vướng, nhưng không đồng nghĩa với sầu thảm. Kết thúc những câu chuyện đã qua là khởi đầu cho những sáng tạo mới, rực rỡ hơn, sâu sắc hơn. Sóng sau xô sóng trước, câu chuyện về nghệ thuật, nghệ sĩ và khán giả sân khấu kịch sẽ luôn luôn mãi còn, theo một cách khác, có thể mới hơn, và phù hợp với thời đại hơn. Sân khấu kịch hôm đó tầm 200 chỗ nhưng chật cứng khán giả. Tôi chứng kiến những cô chú tóc ngã màu muối tiêu và cả những bạn sinh viên cùng ngồi với nhau, trong cùng một khan đài, cùng cùng cười, cùng thổn thức với những nhân vật trong câu chuyện. Những câu chuyện giàu cảm xúc sẽ lay động mọi trái tim, bất kể độ tuổi và hoàn cảnh. Những tràn vỗ tay không dứt vang lên trong suốt đêm diễn hôm đó, làm sao có thể phân biệt được của ai? Tôi tin đó sẽ luôn là niềm khích lệ lớn lao, là sự cổ động bền bỉ dành cho sân khấu kịch Việt Nam mãi luôn tồn tại và phát triển nhiều hơn nữa.
Tôi về đến nhà gần 12 giờ đêm, chạy xe giữa làn gió đêm giữa những con đường vắng, tôi nghĩ về bản thân tôi và những người nghệ sĩ. Phải chẳng mỗi con người luôn có một đam mê và một sứ mệnh để theo đuổi trong cuộc đời? Việc sống trọn vẹn với ước mơ của bản thân có vẻ là một điều rất hạnh phúc.
P/S: Thông điệp chính trong tác phẩm – cũng là một điểm sáng mà tôi rất tâm đắc: trong xã hội mà sự vô cảm của con người dường như là một điều không thể bình thường hơn, việc tồn tại những con người tốt bụng, không vị kỷ có phải là điều bất thường? Tính thời đại của câu chuyện vẫn luôn còn đó trong suốt 10 năm nay. Cuộc đời ai cũng chỉ có một, sống cho bản thân còn chưa xong, ai lại còn hơi sức lo cho người khác. Con người mà, có mấy ai quên đi cái chân đau của mình để nghĩ đến một ai khác đâu. Vậy thì trong cái xã hội mà ai cũng chăm chăm làm lo cho bản thân mình, sống thờ ơ với nhau để tránh phiền phức, liệu chúng ta đã quên đi bài học về sự tử tế, về việc đấu tranh cho những điều tốt đẹp? “Nếu ai cũng như vậy thì mọi người sẽ sống xa lạ với nhau, cuộc đời này sẽ buồn lắm” – lời cảm thán của Bình An liệu có đủ để cảnh tỉnh cho tôi, chúng ta để biết sống yêu thương người khác hơn? Câu chuyện khép lại trên nền nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi rất thích
“ Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi…….”