Tản mạn Australia (phần 2): lựa chọn cái chết
N. , 79 tuổi, là một ông cụ đẹp lão với sở thích chạy bộ. Ông là thành viên kỳ cựu trong câu lạc bộ Marathon địa phương và thường xuyên tham gia các giải chạy bộ hằng năm. Ông sống một mình trong ngôi nhà chứa đựng những ký ức đẹp đẽ với người vợ đã qua đời từ 3 năm trước, và những đám con cháu thường xuyên tụ hợp vào những ngày cuối tuần. Ngoài những bệnh nền như tăng huyết áp và thấp khớp, N. cơ bản có một cuộc sống khá thanh thản và độc lập trước khi ông nhập viện vì cơn đau nhức kéo dài cả tuần ở bàn chân trái. Ông bị mắc chứng tắc động mạch ngoại biên, rắc rối hơn bàn chân còn bị hoại tử nặng dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu. Ông được đưa vào ICU trong tình trạng tụt huyết áp nặng, cần duy trì liều thuốc vận mạch khá cao. Phẫu thuật viên đề nghị phẫu thuật đoạn chi, may ra mới kiểm soát tình trạng nhiễm trùng được. Điều này đồng nghĩa với việc N. phải sống suốt quãng đời còn lại ở trên giường, di chuyển bằng nạng/ xe lăn, và phải phụ thuộc người khác trong việc sinh hoạt cá nhân. Ông không còn tận hưởng được niềm vui duy nhất, chính là được chạy bộ mỗi ngày. Khi thảo luận với N. và gia đình, ông kiên quyết từ chối cuộc phẫu thuật và mong muốn được ra đi trong tình trạng thân thể còn nguyên vẹn. Ông cũng từ chối được duy trì một sự sống vô nghĩa bằng các phương pháp hồi sức tuần hoàn trong trường hợp ngưng tim ngưng thở. Một vài người con của ông không kiềm nổi nước mắt, nhưng họ tôn trọng quyết định của ông. N. được điều trị giảm nhẹ trước khi ra đi thanh thản 1 ngày sau đó.
Ở xứ này, mỗi bệnh nhân trước khi nhập khoa, đều được hỏi về Goal of care (tạm dịch là nguyện vọng điều trị) nếu như họ vẫn còn trong tình trạng tỉnh táo và còn khả năng tự ra quyết định. Họ được lựa chọn hoặc từ chối các phương thức hồi sức cho chính mình phòng trường hợp diễn biến lâm sàng tiến triển xấu đi, bao gồm đặt nội khí quản hoặc nhấn tim ngoài lồng ngực, hoặc lọc thận liên tục, hoặc sử dụng thuốc nâng huyết áp. Điều này giúp bác sĩ biết được ý nguyện của bệnh nhân và đặt mục tiêu điều trị phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng không còn sáng suốt, bác sĩ sẽ căn cứ vào Advanced Care Directive (tạm dịch Di nguyện chăm sóc sức khoẻ). Đó là một văn bản pháp luật được người bệnh thực hiện, thể hiện việc họ mong muốn được điều trị như thế nào trong trình trạng bệnh nguy kịch. Với đa số bệnh nhân mà tôi gặp, họ đều mong muốn cuộc sống độc lập nhất có thể. Họ đều quan tâm đến chất lượng cuộc sống hơn là tuổi thọ; họ muốn tự chủ cuộc đời mình, kể cả lúc gần đất xa trời. Nếu năm tháng của một con người chỉ được kéo dài nếu phụ thuộc máy móc và không còn khả năng tự quyết, liệu cuộc sống đó có ý nghĩa gì ?
Trong trường hợp bệnh nhân đều không có 2 chỉ dẫn kể trên dành cho nhân viên y tế, các bác sĩ chuyên khoa hồi sức có quyền quyết định về mục tiêu điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Điều này được quyết định dựa trên khả năng hồi phục của bệnh hiện tại, tình trạng bệnh nền và mức độ phụ thuộc chăm sóc của bệnh nhân trước nhập viện, cũng như thông qua thảo luận với người nhà về các ưu tiên và giá trị sống của họ. Vì thế, bác sĩ có quyền ngưng điều trị trên một bệnh nhân mà khả năng khôi phục lại một cuộc sống với chất lượng toàn vẹn gần như là không thể. Boss tôi nói “Đôi khi việc để người nhà ra quyết định điều trị là một việc rất khó khăn, đặc biệt những quyết định liên quan đến sinh tử. Thay vì để họ gánh chịu thêm một mặc cảm tội lỗi, hãy để chúng ta ra quyết định này giúp họ”. Tôi còn nhớ khi tôi còn là một bác sĩ hồi sức ở Việt Nam, đa số bệnh nhân đều không được chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất và không được hỏi về nguyện vọng điều trị. Để đến khi bệnh nhân đã hôn mê và được đặt ống thở, bác sĩ chúng tôi mới giải thích tình trạng bệnh nặng cho người nhà, và hỏi về mong muốn điều trị tiếp theo của họ dành cho bệnh nhân. Rõ ràng, trọng tâm của cả quá trình điều trị, thay vì là người bệnh, lại được chuyển dời sang thành gánh nặng cho người nhà. Và theo một lẽ đương nhiên, câu trả lời mà tôi nghe nhiều nhất từ người nhà chính là “còn nước còn tát giúp nha bác ơi”. Dù biết rõ cơ hội cứu chữa rất thấp, họ vẫn lựa chọn điều đó để không phải mang thêm sự hối hận về sau. Một kết cục thật buồn cho cả người bệnh và người nhà của họ.
Là người, ai cũng phải chết, có thể theo một cách thức không ngờ tới và có thể cả trong điều kiện mà ta không tự quyết định được. Trách nhiệm của nhân viên/ hệ thống y tế là giúp đỡ tối đa và phù hợp với mong muốn của họ. Việc hỗ trợ tinh thần của bệnh nhân và cả người nhà, đều đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cuối của cuộc đời.
N. đã trải qua những giây phút cuối đời mình trong vòng tay của gia đình. Họ chia sẻ những kỉ niệm và hồi ức quý báu, cùng cầu nguyện cho đến khi N. trút hơi thở cuối cùng.
May him rest in peace.