Tản mạn

Hồn ai còn vương ở gian trần

Tíc, tíc, tíc.

Tiếng kêu quen thuộc từ những chiếc máy thở, những chiếc bơm tiêm điện, những chiếc monitor theo dõi vang lên đều đặn trong căn phòng khoảng 100 m2 với 30 giường bệnh. Đây là khoa Hồi sức tích cực nơi tôi đang công tác – nơi tiếp nhận điều trị, giành giật lại từng hơi thở cuối cùng cho bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Đồng hồ chỉ 3 giờ chiều, từng vạt nắng chiều vẫn còn rọi chói chang qua khung cửa kính trải dài trên nhứng tấm vạt giường sạch sẽ, tinh tươm. Từng đoàn khách xếp hàng, thuần thục thay dép, mặc áo cách li, mang nón vô khuẩn, trật tự đi vào và tỏa ra vào những khu giường bệnh được xếp dọc nhau thể thăm người thân đang nằm điều trị tại khoa. Trong số đó có một ông cụ khoảng 80 tuổi, dáng người cao gầy, đầu tóc bạc phơ, chiếc áo sơ mi đóng thùng gọn gàng lịch sự. Ông mỉm cười chào hỏi chúng tôi, rồi rẽ vào phòng bệnh số 506, đứng lặng lẽ ở đó, nắm tay và nhìn mãi vào người đang nằm trên giường bệnh.

Đó là vị khách quen của khoa chúng tôi trong hơn 300 ngày qua, bất kể nắng mưa, ông đều đúng giờ có mặt tại đây để thăm vợ mình. Đó là một cụ bà rất đẹp lão. Bà nằm trên yên giường bệnh, được hỗ trợ xung quanh bởi chiếc máy thở, vài ba cái bơm tiêm điện và chi chít dây dịch truyền nối với những chai dịch truyền bằng thủy tinh. Da bà vẫn hồng ấm, sinh hiệu của bà vẫn bình thường, nhưng mắt bà vẫn nhắm nghiền, đôi tay bà không còn đáp lại cái nắm tay và lời thủ thỉ của ông dành cho bà trong suốt bao nhiêu ngày qua.

Bà cụ được nhập khoa từ gần 1 năm nay trong tình trạng ngưng tim, mặc dù đã được cấp cứu kịp thời và hồi phục được nhịp tim, nhưng tình trạng thiếu oxy não diễn ra khá lâu, khiến bà mãi mãi không còn cơ hội tỉnh lại nữa – bà được chẩn đoán chết não.

Chết não được định nghĩa là tình trạng trạng mất hoàn toàn và không hồi phục chức năng toàn não bộ, bao gồm thân não. Tình trạng này thường xảy ra sau tình trạng tổn thương não thiếu oxy não kéo dài, dẫn đến tình trạng hôn mê không hồi phục. Chẩn đoán chết não thường phải được xác định bởi một số bác sĩ chuyên khoa, nhằm loại trừ một số tình trạng hôn mê có hồi phục. Một số test, bao gồm test ngưng thở (“apnea test”) được tiến hành để chứng minh rằng bệnh nhân không còn khả năng duy trì chức năng sống cơ bản bao gồm cả việc tự thở. Dựa vào tiêu chuẩn này, chết não thường được coi tương đương với chết hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, tim bệnh nhân vẫn còn còn khả năng co bóp nội tại nên máu vẫn còn cung cấp máu cho các cơ quan như da, thận, gan,… mặc dù tình trạng này không kéo dài. Nhờ sự hỗ trợ chủ yếu từ dịch truyền và máy móc nên bệnh nhân thoạt nhìn vẫn “hồng hào”, nhịp tim và nhịp thở đều “bình thường”. Tuy nhiên cần biết rằng máy móc không phải là công cụ kéo dài sự sống ở bệnh nhân chết não, đó chỉ là một nơi để neo giữ niềm tin rằng bệnh nhân “trông” vẫn còn sống.

Thông thường trong những trường hợp bệnh nhân chết não, bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cẩn thận cho gia quyến bệnh nhân về tình trạng tổn thương não không hồi phục. Bệnh nhân chết não hoàn toàn sẽ được trả về để gia đình an táng, hoặc gia đình có thể hiến tặng nội tạng của họ. Tuy nhiên, một vấn đề cũng quan trọng không kém trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân chết não là phải hỗ trợ tâm lý cho người nhà của họ.

Với đa số mọi người, cái chết thường là điều không ai muốn, nhưng chắc chắn sẽ đến. Có muôn vàn những kiểu chết khác nhau, cũng có những cái chết được dự đoán và chuẩn bị trước, cũng có những tình huống mà cái chết đến bất thình lình theo cách mà ta không mong đợi. Chấp nhận cái chết của bản thân/ người thân là một việc khó khăn với hầu hết nhiều người.

Theo quan niệm tín ngưỡng, chết là khi hồn lìa khỏi xác để lên được phán xét, hoặc tiến vào một vòng luân hồi mới. Chết là khi thân thể không còn hơi ấm, là khi trái tim ngừng đập, là khi đôi mắt đã khép chặt và không bao giờ hé mở lần nào nữa. Chết – là hết. Có phải vì vậy nên người ta tìm mọi cách chối bỏ cái chết bằng việc cố duy trì các dấu hiệu sinh tồn, để giữ vững một ảo mộng rằng người thân của họ vẫn còn sống?

Người ta bảo, người chết đi vào quá khứ, người sống đi vào tương lai. Tôi lại nghĩ rằng, những người chết, họ vẫn tiếp tục sống trong một không gian mơ hồ gọi là miền ký ức – ký ức của người đang sống. Bằng cách đó, họ sống mãi trong thế giới này chừng nào còn có người luôn nhớ về họ.

Giờ thăm bệnh kết thúc lúc 4 giờ chiều, ông cụ lặng lẽ bước ra khỏi bệnh phòng, và không quên chào chúng tôi một câu rồi bước ra về. Ngày mai ông lại đến thăm bà. Linh hồn bà liệu có còn vương ở nơi này, có còn dõi mắt nhìn theo ông?

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x