Tản mạn Australia (phần 1)
Nhân một buổi chiều nhàn tản hiếm hoi vào ngày chớm đông cuối tháng 5, tôi lại thấy ngứa tay nên quyết định viết vu vơ về câu chuyện đời mình, để sau này lỡ có nhụt chí thì đọc lại…. Câu chuyện về đứa con gái ngu ngơ lần đầu đi xuất khẩu lao động.
—
Sau bao nỗ lực chuyển đổi bằng cấp và hoàn thành các thủ tục tương đương, tôi thành công đặt chân vào hệ thống y tế Úc và bắt đầu hành trình của một bác sĩ thực tập. Theo yêu cầu của bộ y tế sở tại, tôi phải làm luân khoa qua nhiều chuyên ngành trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề tổng quát. Trở lại là một bác sĩ thực tập với tôi là một chuyện nói khó cũng không khó, mà nói dễ thì cũng không dễ. Không khó là vì tôi đã từng kinh qua quá trình này, thậm chí còn khó hơn so với ở đây, tuy nhiên, nói thực cũng không dễ do tôi đã quên quá nhiều, trừ những kiến thức chuyên ngành, kể từ lúc tốt nghiệp đại học. Tôi không những phải nhặt nhạnh lại những mảnh kiến thức đóng bụi lúc còn mài đít ở giảng đường đại học, mà còn phải làm quen với cách thức vận hành, tổ chức hành chính và muôn vàn giấy tờ khác.
Đương nhiên, tôi làm không tốt thật. Sau một tháng rưỡi làm việc, ông trưởng khoa gọi tôi lên để hỏi thăm và chủ yếu góp ý kiến để tôi tự cải thiện. Hơn một tiếng đồng hồ sau, có vẻ thấy tôi sắp khóc luôn rồi, ổng quay sang hỏi “Lí do ban đầu mày làm bác sĩ là gì?”. Tôi khựng lại vài giây rồi hỏi ngược lại ý nghĩa của câu hỏi này là gì. Boss vẫn mỉm cười, bình tĩnh trả lời “Để mày luôn nhớ được lí do ban đầu mày bắt đầu là gì, để vững tin bước đi tiếp, đừng để bị những khó khăn trước mắt làm nản lòng” Boss chia sẻ “Hồi đó tao cũng không biết mình sẽ làm bác sĩ đâu, tao làm đủ nghề, nhưng rồi tao thấy tao thích nói chuyện với mọi người, thích có sự kết nối giữa người với người với nhau, tao hy vọng mình có thể giúp ích được cho cuộc đời của một ai đó nên tao quyết định làm bác sĩ tâm thần”.
Đó hoàn toàn là một câu trả lời đúng chuẩn văn mẫu nếu tôi có dịp hỏi thăm những sĩ tử 18 tuổi nóng lòng bước chân vào trường Y tại Việt Nam. Nhưng dựa vào ánh mắt đầy chân thành của boss trưởng khoa và những câu chuyện mà tôi chứng kiến, tôi hoàn toàn tin đó là thực. Chị đồng nghiệp của tôi, một bác sĩ tâm thần với hình xăm trở cánh tay trái, bắt đầu học Y ở tuổi 23, sau vài năm học quản trị kinh doanh, cũng quyết định con đường của mình với mong muốn tìm được kết nối với câu chuyện của những người xung quanh. Một sinh viên y khoa đang đi kiến tập ở khoa tôi, năm nay 36 tuổi, đã đến Úc được 8 năm sau một thời gian dài tị nạn ở Iran, cũng ước mơ trở thành một người giúp đỡ cho người khác. Ở đâu đó trong những con người mà tôi gặp, tôi cảm nhận được một trái tim nóng bỏng và một mục đích sống rất rõ ràng.
Tôi tự hỏi ước mơ của tôi là gì năm tôi 18 tuổi khi đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất. Thực ra năm đó, tôi lựa chọn ĐH Y vì đó là nơi mà đa số các bạn tôi đều ghi danh dự tuyển. Một phần kiêu ngạo và háu thắng của tuổi trẻ khiến tôi mong muón chinh phục một hạng mục có tính thử thách cao. Và rồi, không biết là may mắn hay xui xẻo, tôi đậu vào trường Y và lê lết suốt 6 năm dài ở giảng đường để trở thành một bác sĩ. Cũng là từ lúc tôi bắt đầu đi làm, may mắn không phải gặp nhiều áp lực về tiền bạc, được nhiều đàn anh chỉ dẫn và định hướng, tôi dần dần tìm được chút niềm vui và ý nghĩa trong công việc của mình. Tôi thấy vui khi thấy đóng góp của mình trong cuộc đời của một au đó. Tôi thấy vui khi nhìn bệnh nhân từ nhập khoa trong tình trạng “một chân bước vào cửa tử”, cải thiện hơn từng ngày và ổn định chuyến khoa. Tôi thấy vui khi thấy bản thân mình luôn cố gắng hoàn thiện bản thân để xứng đáng với công việc mình đang làm. Có thể tôi không thực sự đam mê trở thành một bác sĩ, những tôi thích thấy bản thân mình đang làm một công việc ý nghĩa, một bản thân luôn cố gắng và nỗ lực không ngừng.
Trong quyển “The subtle art of not giving a F*” có một đoạn đại ý như thế này – cuộc sống là một chuỗi vô vàn vấn đề, từ việc chọn lựa ăn gì vào bữa sáng hay có nên cãi tay đôi với thằng cha chen hàng ở quầy tính tiền siêu thị, đến quyết định trường đại học và nghề nghiệp tương lai. Không thể nào sống mà không đối mặt với vấn đề, thay vào đó hãy chấp nhận những thử thách mà mình cảm thấy hạnh phúc và sẵn sàng đương đầu với nó. Bí quyết của hạnh phúc nằm trên chính con đường giải quyết vấn đề đó. Hãy tự hỏi bản thân “Tôi có thể chấp nhận ‘nỗi đau’ này đến mức nào?” và luôn nhớ rằng mỗi vấn đề tôi đang đối mặt là do chính tôi lựa chọn.
Tôi đến đây và lựa chọn con đường này là do chính tôi lựa chọn, nếu không vì như vậy thì cũng không vì lí do nào khác. Tôi muốn bước ra khỏi vũng nước cạn để tiến vào biển lớn, nhắm nhìn trời đất bao la, gặp gỡ và học hỏi ở những con người thú vị, để thấy bản thân mỗi ngày trở nên bản lĩnh, khôn ngoan và trưởng thành hơn. Tôi muốn mình dù trải qua bao nhiêu thử thách vẫn giữ nguyên sự hiếu kỳ với cuộc đời và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Dù có những lúc tôi đã thất bại, có những lúc tôi khóc một mình trong đêm với nỗi sợ hãi và bất lực, nhưng tôi biết đó là điều tất yếu trong cuộc sống mà tôi tự lựa chọn cho mình. Hy vọng sau này dù qua thêm bao chông gai trắc trở, tôi vẫn giữ vững niềm tin và mong ước đó.
Chiều 23/5/2024
Melbourne
P/S: Ảnh tiêu đề là một buổi hoàng hôn ở Adelaide – nơi tôi trải qua “mùa đông rất lạnh” đầu tiên.